Nhiều phụ huynh hay than thở với nhau rằng:Con tôi rất thờ ơ, vô tâm, không phụ giúp mẹ việc nhà, không để ý hỏi han sức khỏe ông bà ngoại già yếu; tôi buồn, con cũng chẳng hay biết. “Nhiệm vụ” duy nhất của con tôi là đòi hỏi: mua quần áo, điện thoại, xin tiền đi chơi, đi du lịch… Với cháu, làm con thì được yêu sách quyền lợi, không hề nghĩ mình phải có bổn phận, trách nhiệm trong gia đình.Điều đó xảy ra cũng có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, do cách giáo dục của gia đình từ khi bé còn nhỏ. Bé ỷ lại, lười biếng, có thể do cha mẹ nuông chiều, không cần con làm việc nhà, không phân công hướng dẫn làm việc; nhưng khi bé lớn lên lại muốn con biết giúp mình.
Điều này là một mong muốn không hợp lý. Trẻ không được rèn thói quen lao động sẽ không có kỹ năng và thái độ làm việc tốt. Nhiều cha mẹ khi thấy con cái lớn nhưng vô trách nhiệm, mình ngày càng lớn tuổi, sức yếu mà còn phải chăm lo việc nhà cho con, mới hối hận đã không rèn dạy con từ nhỏ.
Nguyên nhân thứ hai, do ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Bạn bè của bé có chăm chỉ làm việc nhà phụ bố mẹ không? Bài vở ở lớp có quá nhiều khiến cháu không còn thời gian để quan tâm đến bố mẹ; thậm chí không được nghỉ ngơi, nên còn chút thời gian rảnh là các cháu xem ti vi, lên mạng để thư giãn.
Vậy,làm sao để bé thay đổi, sống có trách nhiệm? Từ hai nguyên nhân trên, các bậc cha mẹ cần hiểu và thông cảm cho trẻ, giúp con giảm bớt áp lực học tập, cân bằng giữa học chữ và học kỹ năng sống từ những việc nhỏ nhất.
Cha mẹ không nên trách con vô trách nhiệm, bởi cũng do cách giáo dục gia đình nên cháu chưa ý thức về trách nhiệm của mình. Đứa trẻ nào cũng có tình yêu sâu sắc với cha mẹ, chỉ là các cháu chưa được học cách quan tâm bằng hành động cụ thể.
.
Cha mẹ hãy dạy con có trách nhiệm với bản thân, thông qua việc vệ sinh cá nhân, dọn phòng riêng, cho đến học cách giữ sức khỏe, cách ăn uống đúng cho khỏe, cách tự bảo vệ…
Mưa dầm thấm sâu, mỗi ngày cha mẹ tâm tình trò chuyện cùng con từng chút một. Chỉ khi trẻ biết quan tâm, có ý thức trách nhiệm với bản thân qua sự yêu thương, hướng dẫn của cha mẹ, cháu sẽ học được cách quan tâm trở lại với cha mẹ, ông bà.
Giao tiếp là tấm gương phản chiếu chính cách chúng ta cư xử với người khác. Thay vì làm hết mọi việc rồi than phiền trẻ không có trách nhiệm, cha mẹ hãy cùng con làm việc, quan tâm đến trẻ hơn, cho con được tham gia ý kiến, tham gia các hoạt động gia đình, trẻ sẽ hiểu mình là một thành viên của gia đình, được tôn trọng, yêu thương. Khi đó bài học dạy con sống có trách nhiệm sẽ lan tỏa, từ trách nhiệm với chính mình, với gia đình, xa hơn là trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước khi cháu lớn lên.
TRUNG TÂM GIA SƯ KHAI MINH TRÍ